Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân công và quỹ đất để xây dựng nhà máy sản xuất nên gia công là một lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Các lĩnh vực gia công phổ biến nhất là may mặc, giày da và thiết bị điện tử. Các quy định pháp luật về gia công được ghi nhận tại Luật Thương mại 2005, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định 69 hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào hoạt động gia công xuất khẩu, các ngành nghề tham gia hoạt động này và yêu cầu quản lý có sự phức tạp hơn so với hoạt động gia công nội địa.
Gia công xuất khẩu (tiếng Anh gọi là Export Processing) là đưa các yếu tố sản xuất (chủ yếu là nguyên liệu) từ nước ngoài về để sản xuất hàng hóa, nhưng không phải để tiêu dùng trong nước mà để xuất khẩu thu ngoại tệ chênh lệch do tiền công đem lại.
Vì vậy, suy cho cùng, gia công xuất khẩu là hình thức xuất khẩu lao động tại chỗ, nhưng là loại lao động dưới dạng được sử dụng (được thể hiện trong hàng hóa), chứ không phải dưới dạng xuất khẩu nhân công ra nước ngoài.
Về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia loại hình này, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ban hành năm 2016 quy định đối tượng và trường hợp miễn thuế bao gồm: nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu. Doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu được nhà nước tạo điều kiện rất lớn cho việc tổ chức sản xuất, phát triển kinh doanh và có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước là Cơ quan Hải quan về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế. Các nội dung hướng dẫn lập Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên phụ liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được quy định rất rõ trong thông tư 39/2018/TT-BTC (tải về Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Vậy, để đảm bảo cho công tác tổ chức sản xuất diễn ra suôn sẻ, cũng như đáp ứng được yêu cầu báo cáo quản trị kho hàng ngày của doanh nghiệp và lập báo cáo quyết toán cung cấp cho cơ quan Hải quan thì việc quản lý kho trong doanh nghiệp gia công xuất khẩu cần được tổ chức có quy trình hợp lý, khoa học, chặt chẽ, cung cấp được đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho bộ phận kho, kế toán, xuất nhập khẩu thực hiện công việc. Sẽ không nói quá khi nhận định rằng, việc quản lý kho chính là xương sống trong sự thành bại trong lĩnh vực gia công.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp gia công xuất khẩu tại Việt Nam chưa chú trọng đúng mức tới việc quản lý kho cũng như xây dựng một quy trình đầy đủ và khoa học cho hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Một trong các nguyên nhân là vì có việc quản lý trực tiếp về nguyên, phụ liệu của bên đặt gia công ngay tại doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp nhận gia công chỉ cần quản lý nhân lực thực hiện và tổ chức sản xuất. Nếu xảy ra rủi ro từ phía quản lý của bên đặt gia công sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm COVID-19 đang có ảnh hưởng lớn tới cả nền kinh tế.
Nhìn bức tranh tổng thể doanh nghiệp, mỗi phòng ban sẽ như một bánh răng của một chiếc máy khổng lồ. Chỉ cần một bánh răng chạy chậm, hay gặp lỗi nào đó thì việc sản xuất và lợi nhuận có được của doanh nghiệp sẽ không bền vững. Sự bổ sung cần thiết cho doanh nghiệp sẽ không bao giờ là muộn với một quy trình quản lý kho khoa học và một công cụ quản lý kho hiệu quả.
---
- Dịch vụ lập BÁO CÁO QUYẾT TOÁN theo Thông tư 39/2018/TT-BTC
- Dịch vụ tư vấn Setup hệ thống Quản lý Kho gia công - Xuất nhập khẩu
- ĐÀO TẠO: Nâng cao nghiệp vụ cho Nhân sự trong Doanh nghiệp gia công
– VP Hà Nội: Số 7 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
– Hotline: 0972 181 589
– Email: exim.com.vn@gmail.com